Ở bài viết trước chúng ta đã nói về PoE theo tiêu chuẩn công nghiệp IEEE và những lợi thế nó đem lại khi cho phép người dùng cấp nguồn cho các thiết bị mạng mà không cần nguồn điện riêng hoặc ổ cắm điện gần thiết bị được cấp nguồn.
Thiết bị PoE tiêu chuẩn công nghiệp IEEE 802.3af/at/bt sử dụng nguồn điện DC 48V (up to 57V) được gọi là thiết bị PoE chủ động (Active PoE). Bộ cấp nguồn (PSE) PoE đáp ứng tiêu chuẩn công nghiệp IEEE 802.3af/at/bt gọi là Bộ cấp nguồn PoE chủ động (Active PoE).
Tiêu chuẩn PoE công nghiệp đã được tối ưu hóa để đảm bảo an toàn. Ngoài phạm vi điện áp an toàn, các thiết bị phải giao tiếp theo quy trình đã thiết lập. Trước khi cung cấp điện áp, bộ cấp nguồn PoE thiết lập một quá trình “thương lượng điện năng” (power negotiation) để đảm bảo nguồn điện tương thích giữa bộ nguồn cấp PoE và thiết bị dùng PoE. Nó sẽ không bật nguồn nếu thiết bị dùng PoE không xác nhận (handshake).
Hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu Passive PoE – PoE không tuân theo tiêu chuẩn IEEE.
Passive PoE là gì?
PoE thụ động (Passive PoE) đề cập đến tất cả thiết bị sử dụng PoE không theo tiêu chuẩn công nghiệp IEEE (802.3af/at/bt…).
PoE thụ động (hay còn được biết như là thiết bị cấp nguồn “Luôn luôn BẬT” / “Always ON”) cung cấp nguồn ngay lập tức mà không thực hiện quá trình “thương lượng điện năng” (power negotiation), do đó, điều cực kỳ quan trọng là phải biết chính xác điện áp PoE mà thiết bị của bạn yêu cầu trước khi cắm cáp Ethernet có cấp nguồn PoE thụ động. Nếu bạn kết nối sai điện áp, bạn có thể gây hư hỏng điện vĩnh viễn cho thiết bị. Cắm sai thiết bị PoE thụ động giống như cắm thiết bị dùng điện 110V vào ổ cắm 220V, kết quả là thiết bị hư hỏng vĩnh viễn.
PoE thụ động về cơ bản nó chỉ chạy ở PoE-Mode B, đó là việc đưa điện áp trực tiếp vào các cặp dây Ethernet không sử dụng, dương (+) 4,5 và âm (-) 7,8. Điều này cung cấp giải pháp rất đơn giản, linh hoạt và tiết kiệm chi phí để cấp nguồn cho các thiết bị đầu cuối (wifi, camera, cảm biến, …)
Những vấn đề cần lưu ý khi sử dụng Passive PoE
- PoE thụ động là thiết bị cấp nguồn “Luôn luôn BẬT” / “Always ON” nên điều cực kỳ quan trọng là phải biết chính xác điện áp PoE mà thiết bị của bạn yêu cầu trước khi cắm cáp Ethernet có cấp nguồn PoE thụ động, đồng thời, không dùng cáp ethernet có nguồn PoE thụ động để cấp tín hiệu mạng cho thiết bị mạng thông thường như máy vi tính để bàn, máy laptop,…
- Mặc dù đa số thiết bị cấp nguồn PoE thụ động sẽ cấp nguồn qua dây mạng theo Mode B, dương (+) 4,5 và âm (-) 7,8. Nhưng khái niệm PoE thụ động là khái niệm chung cho các thiết bị PoE không tuân theo chuẩn công nghiệp IEEE và tiêu chuẩn kỹ thuật của nó phụ thuộc lớn vào tiêu chuẩn nhà sản xuất, do đó, khi sử dụng bạn cần tham khảo bảng thông số kỹ thuật kèm theo thiết bị.
- PoE thụ động sẽ đưa điện áp trực tiếp vào các cặp dây Ethernet không sử dụng, dương (+) 4,5 và âm (-) 7,8 mà không có mạch bảo vệ ngắn mạch nên việc bấm cáp sai có để dẫn đến hư hỏng thiết bị.
Một số câu hỏi liên quan đến PoE
Thiết bị không hỗ trợ PoE cắm vào cổng mạng Active PoE được không?
Trả lời: Thiết bị không hỗ trợ PoE cắm vào cổng mạng Active PoE là hoàn toàn an toàn, không hề có vấn đề gì xảy ra cho thiết bị bởi vì nguồn PoE sẽ không bật đến khi thiết bị yêu cầu.
Thiết bị không hỗ trợ PoE cắm vào cổng mạng Passive PoE được không?
Trả lời: Thiết bị không hỗ trợ PoE cắm vào cổng mạng Passive PoE là hoàn toàn không an toàn, nó sẽ hỏng và cháy vì không chịu nổi dòng điện.
Tuy nhiên, một số nhà sản xuất (vd: Mikrotik,…) đã khắc phục vấn đề này bằng cách trang bị cho thiết bị cấp nguồn PoE thụ động của họ chức năng kiểm tra điện trở của thiết bị đầu cuối xem liệu điện áp có thể được áp dụng vô hại hay không, mặc dù thiết bị cấp nguồn này không thực hiện thương lượng điện năng theo tiêu chuẩn IEEE. Đây có thể hiểu là “Passive” tại đầu thiết bị cuối chứ không phải “Passive” tài đầu nguồn cấp.
Thiết bị hỗ trợ Passive PoE cắm vào cổng mạng Active PoE được không?
Trả lời: Thiết bị hỗ trợ Passive PoE cắm vào cổng mạng Active PoE là hoàn toàn an toàn, không hề có vấn đề gì xảy ra cho thiết bị, cổng mạng Active PoE sẽ không cấp nguồn PoE do không nhận được tín hiệu xác nhận “handshake” từ thiết bị và thiết bị không khởi động.
Thiết bị hỗ trợ Active PoE cắm vào cổng mạng Passive PoE được không?
Trả lời: Khi cắm thiết bị Active PoE cắm vào cổng mạng Passive PoE sẽ xảy ra 2 trường hợp:
Nếu nguồn cấp Passive PoE chỉ cấp nguồn 30V hoặc thấp hơn sẽ báo lỗi quá tải do thiết bị Active PoE hoạt động ở điện áp 42V đến 57V. Thiết bị PoE sẽ không khởi động.
Nếu nguồn cấp Passive PoE cấp nguồn 48V hoặc 57V với công suất đủ lớn thì thiết bị Active PoE 802.3af và 802.3at sẽ khởi động và hoạt động bình thường, còn thiết bị Active PoE 802.3bt công suất cao có thể sẽ không hoạt động (do yêu cầu cấp nguồn PoE ở 4-pairs mode) hoặc sẽ chuyển sang chế độ low-power với hiệu năng giảm đáng kể.
Nhìn nhận từ Toàn Tâm
Ban đầu, có thể bạn sẽ thấy việc chọn sử dụng Passive PoE thay vì Active PoE hoạt động theo tiêu chuẩn IEEE như là một ý tưởng hay, nhưng về lâu dài, rất có thể bạn sẽ phải trả giá đắt hơn rất nhiều. Cách duy nhất để đảm bảo khả năng tương thích hoàn toàn với phần lớn các thiết bị PoE trên thị trường là tuân theo tiêu chuẩn IEEE 802.3af/at/bt, Active PoE.
TOÀN TÂM
TOÀN TÂM sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của bạn. Liên hệ ngay với chúng tôi !